Gần một tháng trước, đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc đã bị miền bắc nã pháo làm chết 4 người và nhiều nhà cửa bị tàn phá. Nguyên nhân là do miền bắc trả đũa vụ diễn tập bắn đạn thật của miền nam tại khu vực biển nhạy cảm này. Bình nhưỡng gần đây cũng doạ sẽ đáp trả thậm chí còn "kinh khủng" hơn nếu Seoul tiếp tục kế hoạch tập trận tương tự trên đảo Yeonpyeong. Hàn Quốc không nhượng bộ Trước căng thẳng có nguy cơ bùng nổ, hôm qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần đầu tiên nhóm họp để thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên kể từ vụ đọ pháo hôm 23/11. Tuy nhiên cơ quan này đã thất bại trong việc đi tới thoả thuận. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng cộng đồng quốc tế đã không thể "có kế hoạch hành động" nào để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề Triều Tiên đang đe doạ gây chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Trong khi Nga và Trung Quốc kêu gọi Hàn Quốc dừng kế hoạch tập trận trên đảo Yeonpyeong để tránh leo thang căn thẳng, thì Mỹ lại cho rằng đồng minh Seoul của họ có quyền thực hiện kế hoạch đó để đảm bảo rằng "họ đã được chuẩn bị đầy đủ đối mặt với những khiêu khích đang diễn ra". Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc lại đang chịu sức ép gay gắt từ trong nước về việc cần phải có quan điểm cứng rắn đối với Triều Tiên sau vụ nã pháo. Kết quả là họ chấp nhận không nhượng bộ, cho mở màn cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong vào lúc 14h30 giờ địa phương chiều nay. Theo Yonhap, hoạt động này diễn ra trong khoảng một tiếng thì chấm dứt, nhưng các nhân chứng vẫn nghe thấy tiếng đạn nổ sau đó. Trước đó vào sáng nay, khoảng hơn 100 người dân còn lại trên đảo Yeonpyeong đã được lệnh xuống hầm trú ẩn để chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự. Hòn đảo này nằm trong khu vực nhạy cảm, ngay sát biên giới trên biển gây tranh cãi giữa hai miền Triều Tiên (Đường giới hạn phía bắc NLL) và trong tầm nhìn bằng mắt thường từ phía đất liền Triều Tiên. Khi cuộc tập trận chuẩn bị bắt đầu, giới chức quân đội miền nam tuyên bố đạn pháo sẽ hướng ra phía tây nam của đảo, tránh xa hướng Triều Tiên ở phía bắc. Nhưng Bình Nhưỡng cho rằng dù bắn theo hướng nào thì đạn nổ tại khu vực này cũng chắc chắn rơi xuống vùng lãnh hải của họ. Do vậy Triều Tiên đe doạ sẽ "có cú đánh tự vệ không thể lường trước được" nhằm vào miền nam nếu tiếp tục cuộc tập trận. Về phần mình, Hàn Quốc cũng không hề bị "cóng" trước tuyên bố này khi khẳng định, họ sẽ đáp trả "nghiêm khắc và ngay lập tức" trước bất cứ phản ứng nào của Triều Tiên về cuộc tập trận. Bán đảo Triều Tiên thực sự căng thẳng Trong khi đó, đặc phái viên không chính thức của Mỹ là Thống đốc bang New Mexico Governor Bill Richardson đang có mặt tại Triều Tiên và có cuộc gặp hiếm hoi với một số quan chức cấp cao nước này. Ông đánh giá với CNN rằng "tình hình hiện này là rất, rất căng thẳng, đó là một cuộc khủng hoảng thực sự". Ông Richardson đưa ra nhận định trên sau khi gặp thiếu tướng Pak Rim-su, chỉ huy quân Triều Tiên tại khu vực dọc đường biên giới với miền nam. Thống đốc Mỹ nói thêm với CNN từ Bình Nhưỡng về cuộc gặp: "Họ nói rằng sẽ có một cuộc đáp trả, nhưng đồng thời họ hy vọng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an sẽ giải quyết được tình hình. Rõ ràng là họ rất khó chịu trước cuộc tập trận của miền nam". Trong khi đó, Mỹ đang đứng vào tình thế không thể né tránh nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, vì nước này có 28.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc. Tuy nhiên Washington đang dùng nỗ lực ngoại giao nhằm tránh kịch bản mà họ không hề mong muốn nói trên xảy ra, trong khi vẫn khẳng định là đồng minh thân cận với Hàn Quốc. Yonhap dẫn một nguồn tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết thêm, để đề phòng trường hợp Triều Tiên tấn công đáp trả cuộc tập trận của miền nam, Seoul lệnh cho lực lượng không quân điều những chiếc chiến đấu cơ F-15K và KF-16 vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Tính đến chiều nay khi Hàn Quốc đã thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật như kế hoạch, vẫn chưa thấy có dấu hiệu phản ứng nào từ phía miền bắc như lời đe doạ của họ. Tuy nhiên sự kiện này đã thực sự đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đang căng thẳng rơi vào trạng thái "căng như dây đàn". Trong khi đó, quan hệ Liên Triều vốn căng thẳng từ hơn nửa thế kỷ qua đã chứng kiến những sự kiện liên tiếp trong năm nay khiến nhiều người lo ngại về một cuộc xung đột có thể nổ ra. Đầu tiên là vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hôm 26/3 làm chết 46 thuỷ thủ. Seoul sau đó cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công này, nhưng miền bắc bác bỏ. Tới ngày 29/10, binh sĩ hai miền Triều Tiên đã đọ súng với nhau qua đường biên giới trên bộ. Đỉnh điểm là ngày 23/11, Triều Tiên bất ngờ nã pháo dữ dội xuống đảo Yeonpyeong của miền nam làm chết 4 người, trong đó có hai dân thường và hai lính thuỷ đánh bộ, sự kiện được cho là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến Triều Tiên hơn nửa thế kỷ trước. |