Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, tính đến 1/4/2009, tổng số hộ có nhà ở trên cả nước là hơn 22 triệu. Số hộ không có nhà khoảng hơn 11.000. Số hộ dân sống tại nhà ở riêng lẻ chiếm tỷ lệ trên 95%. Loại hình nhà ở chung cư trong một vài năm gần đây có phát triển nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 1,23%. So với các nước trong khu vực thì diện tích nhà ở bình quân trên đầu người của Việt Nam còn thấp. Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người đạt 16,7 m2 mỗi người, riêng khu vực đô thị đạt 19,2 m2 mỗi người. Ở các thành phố lớn của Trung Quốc là 25-29 m2 mỗi người, Thái Lan là 22 m2, Malaysia là 31 m2. Bộ Xây dựng cho rằng cần hạn chế phát triển nhà ở riêng lẻ. Ảnh: Hoàng Hà. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tỷ lệ hộ có diện tích sử dụng lớn (từ 60m2 trở lên) đạt 52,83%. Số hộ có nhà ở với diện tích dưới 25m2 là 8%. Về hình thức sở hữu, nhà riêng chiếm 92,8% còn nhà thuê hoặc mượn chiếm 6,5%. Các hình thức sở hữu khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Số hộ dân sống trong nhà thuê/mượn chiếm tới 13,6% trong khu vực thành thị và 3,3% tại khu vực nông thôn. Bộ Xây dựng đánh giá, do giá đất đai tăng cao, người dân khó có khả năng sở hữu nhà ở riêng lẻ. Mặt khác, thói quen sở hữu riêng về nhà ở có thể gây nên tâm lý người dân chỉ lo tích lũy một lượng lớn tiền cho việc mua nhà mà không xem xét đầu tư vào các lĩnh vực khác, phần nào đó có thể gây lãng phí nguồn vốn của xã hội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, để phù hợp với thu nhập người dân, cần đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở cho thuê. Quỹ nhà ở cho thuê được phát triển bởi chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đối với khu vực đô thị có mật độ dân số cao, Bộ Xây dựng kiến nghị cần tiếp tục duy trì quy định ưu tiên quỹ đất để phát triển nhà chung cư cao tầng, hạn chế phát triển nhà ở riêng lẻ. |